Người xưa đã từng nói: “Không có nghề nào cao quý hơn nghề giáo”. Quả thật, nghề nhà giáo vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa bởi các thầy cô không chỉ đơn thuần dạy học sinh làm người qua từng con chữ mà phải đưa các em đến gần với chân - thiện - mỹ bằng chính nhân cách sống của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã truyền dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, dạy cho học sinh, sinh viên ngày nay là dạy cái lễ trước khi dạy cái chữ. Điều đó hoàn toàn đúng với cô giáo Nguyễn Thị Sáu – Nguyên Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên
Tôi may mắn được biết cô kể từ khi tôi về trường Tiểu học Giang Biên công tác, tính đến nay đã 10 năm. Cô là hiệu phó, phụ trách chuyên môn nên luôn sát sao đến các hoạt động dạy và học của nhà trường. Cô rất nhiệt tình, tận tụy với công việc. Sau mỗi tiết dự giờ giáo viên, bao giờ cô cũng đều góp ý rất thẳng thắn, chân thành, mang tính xây dựng để giáo viên rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó góp phần đưa chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng đi lên. Điều tôi thích nhất ở cô là dù có góp ý, nhắc nhở, nhưng không bao giờ cô áp đặt giáo viên phải dạy thế này, thế kia mà để cho họ tự cảm nhận được đúng, sai, cho họ những “khoảng trời riêng” để họ được tự do sáng tạo, vẫy vùng trên bầu trời tri thức mênh mông của nhân loại. Không những thế, cô còn chỉ dạy cho chúng tôi - những giáo viên trẻ cách đi đứng, nói năng, cách cầm cuốn sách, cách đặt câu hỏi đối với học sinh, cách giao tiếp với phụ huynh học sinh. Chính những điều đó đã giúp chúng tôi trưởng thành dần từng ngày.
Không chỉ có vậy, với cá nhân tôi, cô giống như người mẹ hiền luôn bên cạnh những lúc tôi buồn và vấp ngã trong công việc. Người mẹ hiền ấy vẫn luôn chỉ bảo, hướng dẫn, quan tâm và lắng nghe những chia sẻ của tôi.Cô cũng sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc, ý kiến, đóng góp, thậm chí là cả những tranh luận của các giáo viên về chuyện nghề, chuyện đời và tư vấn, giải đáp những điều đó một cách rõ ràng, hợp tình, hợp lý. Dù có khó khăn, công việc bận rộn nhưng tôi luôn thấy trên môi cô nở nụ cười tươi tắn. Có lẽ, đó là nụ cười của sự lạc quan, bình tĩnh, bản lĩnh; là phong thái của một giáo viên chuyên cần, mẫu mực, lúc nào cũng rất điềm đạm, chín chắn, nhã nhặn, lịch thiệp. Thường ngày là vậy, còn những khi nhà trường có kì cuộc thi cử, kiểm tra, hay giáo viên tham dự các hội thi giáo viên giỏi, tôi lại thấy cô miệt mài, nhiệt tình hỗ trợ giúp đồng nghiệp từ việc chỉnh sửa giáo án, phân công trang trí bàn ghế, lớp, lọ hoa, khăn trải bàn. Đó không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là sự tận tụy, hết lòng vì đồng nghiệp của cô. Chúng tôi ở lại đến 6 rưỡi, 7 giờ tối để chuẩn bị cho tiết thi thì cũng đúng giờ đó, cô mới rời khỏi trường, thậm chí có khi còn muộn hơn giáo viên.
Đối với học sinh cũng vậy, cô ân cần như với đàn con của mình vậy. Nhẹ nhàng, từ tốn, những bài giảng của cô đi vào lòng người, thấm vào trong trái tim bao thế hệ học sinh đã từng sống dưới mái nhà Tiểu học Giang Biên thân thương. Đến giờ phút này đây, khi cô đã đến tuổi được an nhàn hưởng cuộc sống gia đình nhưng vì lòng yêu nghề, yêu trường và sự tận tâm với công việc cũng như không phụ tấm lòng yêu quý của các thầy cô giáo và mọi người trong ngôi nhà thứ hai này, cô vẫn đang và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hỗ trợ và dìu dắt Hiệp phó mới nhận chức. Cô còn đảm nhiệm trọng trách lớn lao tiếp tục chở con thuyền tri thức cập bến với các bạn học sinh lớp 3A1 trong năm học 2020 – 2021. Bạn biết đấy, học sinh vốn là lũ quỷ nghịch ngợm, hiếu động, lười học, mải chơi không ai bằng. Vậy nhưng tôi chưa từng thấy cô cáu giận, to tiếng hay quát nạt bất kì một bạn học sinh nào. Cô dùng lời lẽ giảng giải, dùng sự bao dung, ân cần, dịu dàng của mình để học sinh nhận ra cái sai mà cố gắng học hành. Đã nhiều lần, tôi tình cờ thấy được cô âm thầm giúp đỡ học sinh khi các em gặp khó khăn, thiếu thốn: khi thì hộp sữa, gói xôi, cái bánh; khi thì quyển vở, cuốn sách, cái bút. Thậm chí, đối với những em học sinh không có điều kiện, cô sẵn sàng bỏ tiền túi ra để tặng quà Khuyến học cho các em. Những món quà đó có khi lên đến vài trăm, thậm chí cả vài triệu, nhưng cô không hề khoe khoang hay tỏ vẻ, mà vẫn âm thầm, vui vẻ giúp đỡ học sinh, để các em không cảm thấy tự ti mà vẫn có cơ hội được đến trường. Công lao đó, sự tận tụy đó của cô, chẳng có con số nào có thể quy đổi hay chi trả được. Ở bên cô, tôi lắng nghe, cảm nhận và học hỏi được bao điều thấmnthía, ý nghĩa mà chỉ có những tấm gương sáng cụ thể, chân thực như cô chứ chẳng có ngòi bút, ngôn từ nào diễn tả được.
Ở trường là vậy, còn ở nhà, cô cũng là người vợ đảm, dâu thảo, mẹ hiền, luôn chu toàn công việc gia đình, đối nội đối ngoại để chồng yên tâm công tác, con cái chăm chỉ học hành. Nhìn nụ cười hạnh phúc của cô, tôi tin rằng cô vẫn đang và mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ như chúng tôi học tập và noi theo.