Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến công tác người khuyết tật. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hằng năm, có khoảng 19.000 người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề tạo việc làm.
Trước những sự thay đổi nhanh đến chóng mặt nền kinh tế Công nghiệp hóa – hiện đại hóa, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng cao kéo theo đó là những sự đòi hỏi cá nhân mỗi chúng ta không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực để thực hiện những hoài bão và khát khao. Chúng ta- là những cá thể hoàn thiện cả mặt sinh thể và tâm sinh lý, chúng ta có ước mơ, thỏa sức vùng vẫy và lăn xả để đạt những điều mình mong muốn. Tuy nhiên, không phải tất cả ai cũng được có cơ hội để làm những điều mình muốn và làm công việc mình thích. Có những thứ với chúng ta tưởng chừng rất đơn giản như đi lại, chạy nhảy, múa hát,… hay đơn giản là được nhìn thế giới xung quanh, được nghe thấy tiếng ồn ào náo nhiệt của cuộc sống đời thường, được ngửi những mùi vị thơm ngon từ những quán ăn ven đường mỗi chiều tan làm, hay là hương thơm của một loài hoa nào đó mà ta vừa bước qua…. Nhưng đối với những người khuyết tật thì đó lại là sự cố gắng không ngừng nghỉ và cũng có thể chỉ là những ước mơ mà có lẽ cả đời không thể thực hiện được.
Năm 2010, Quốc hội Việt Nam đã chính thức sử dụng cụm từ người khuyết tật thay cho tàn tật trong các bộ luật ban hành có liên quan. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, người khuyết tật được định nghĩa như sau:
“1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.
Người khuyết tật có những đặc điểm cơ bản như: Người khuyết tật là nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất; Người khuyết tật có ở mọi nơi trên thế giới và các quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ người khuyết tật.
Hiện nay, sau những cuộc vận động kiên trì của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền, nhận thức rằng người khuyết tật cũng là chủ thể bình đẳng của các quyền con người mới dần dần chiếm ưu thế trên thế giới. Sự chuyển biến về nhận thức dẫn tới thay đổi cả cách gọi tên của nhóm xã hội này. Thay cho việc dùng từ “những người tàn tật” (disable persons) có hàm ý miệt thị và hạ thấp, hiện nay, nhóm xã hội này được gọi một cách chính xác và trân trọng là những người khuyết tật (persons with disabilities). Tên gọi mới, ngoài những yếu tố khác, mang hàm ý rõ ràng rằng đây là nhóm người tuy có những khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, nhưng họ không phải và không được coi họ là những người vô dụng, đứng ngoài lề dòng chảy và là gánh nặng cho xã hội.
Lịch sử ra đời Ngày người khuyết tật Việt Nam
Ngày 30 tháng 7 năm 1998 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 06/1998/PL-UBTVQH10 về người tàn tật. Tại điều 31 có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Sau này, khi Luật người khuyết tật Việt Nam, Luật số: 51/2010/QH12, tại điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam.
Ngoài ra chúng ta có thể tham khảo thêm một cột mốc liên quan đến ngày ngày 18 tháng 4 như sau: Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Hội đồng liên hiệp quốc năm 1976 lấy năm 1981 là năm Quốc tế đầu tiên về người khuyết tật, kêu gọi một kế hoạch hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, với trọng tâm là tăng cường các cơ hội, phục hồi chức năng và phòng ngừa khuyết tật, ngày 18 tháng 4 năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam.
Kể từ năm 2019, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chính thức công bố chủ đề cho ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2019 là “Tiếp cận cho mọi người”. Mỗi năm Liên hiệp hội sẽ đưa ra một chủ đề với thông điệp khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và sự hoà nhập của người khuyết tật Việt Nam.
Ý nghĩa Ngày người khuyết tật Việt Nam
Kể từ ngày 18 tháng 4 năm 1998, khắp nơi trong cả nước đều có các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng, chào mừng ngày người khuyết tật Việt Nam. Ngày này được coi là ngày hội của người khuyết tật. Các tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan đến người khuyết tật đều có các hành động để hướng đến ngày này. Các hoạt động trong ngày người khuyết tật Việt Nam như giao lưu văn nghệ - thể thao, toạ đàm, hội nghị, hội thảo, tư vấn và tuyển dụng việc làm, tư vấn kỹ năng sống, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí... dành cho người khuyết tật được triển khai khắp nơi trong cả nước.
Hoạt động ý nghĩa của thầy và trò trường Tiểu học Giang Biên
Trong buổi sinh hoạt dưới cờ sáng thứ 2 ngày 17/04/2023, thầy và trò trường Tiểu học Giang Biên đã tìm hiểu ý nguồn gốc, ý nghĩa của ngày bảo vệ và chăm sóc người khuyết tật Việt Nam 18/04, cũng trong buổi sinh hoạt dứoi cờ, Ban giám hiệu đã tặng những phần quà hết sức ý nghĩa cho các bạn học sinh thuộc diện hòa nhập, khuyết tật đang học tập tại trường.
Năm bạn học sinh: Phạm Anh Tuấn (3A4), Trần Đức Tú Anh (3A5), Lưu Bảo Nam (4A3), Văn Đức Đạt (4A5), Trần Thị Thanh Tâm (4A5) đều rất vui mừng, phấn khởi khi nhận được quà từ thầy cô và Ban Giám Hiệu. Những phần quà tuy không có giá trị quá lớn nhưng là món quà động viên tinh thần hết sức ý nghĩa với các bạn nhân ngày 18/04 này.
Và tất nhiên, không thể không nhắc đến các cô giáo chủ nhiệm, người đồng hành, quan tâm, và luôn bên cạnh các bạn trong suốt năm học vừa qua. Các cô giáo Nguyễn Thu Hồng, Vũ Hương Ly, Lê Thị Thu Giang, Trần Thị Thanh Hương đã nhận được những bông hoa tươi thắm như một lời cảm ơn vì bao công sức và sự quan tâm đồng hành cùng các con cả năm học vừa qua.
Dưới đây là một số hình ảnh đẹp trong buổi sinh hoạt dưới cờ: