KỶ NIỆM 60 PHONG TRÀO "NGHÌN VIỆC TỐT"
(24/3/1963 - 24/3/2023)
“
Thi đua
nghìn việc tốt” là
phong trào thúc đẩy thiếu niên, nhi đồng học tập, rèn luyện, góp phần hình thành ý thức, thói quen làm việc tốt, biết chia sẻ yêu thương, biết vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Tìm hiểu về Nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn, người khai sinh ra phong trào Nghìn việc tốt:
Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn sinh năm 1940, trên quê hương có truyền thống văn hiến, cách mạng, nơi phát tích của vương triều nhà Lý. Tuổi thơ, thầy sống trong cảnh loạn lạc, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, mới 11 tuổi cậu bé Nguyễn Đức Thìn đã tham gia vào Đội thiếu niên du kích Đình Bảng.
Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, giặc Pháp phải rút về nước. Thấm nhuần tư tưởng của Bác "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", Nguyễn Đức Thìn tiếp tục đi học tại trường Trung học Hàn Thuyên, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, thầy dạy học lớp bình dân học vụ và là giáo viên, phụ trách công tác Đội tại trường Tiểu học Đình Bảng, trường Trung học cơ sở Tam Sơn. Trong khi đang hết mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thì thầy mắc bệnh phong.
Không chấp nhận đôi bàn tay tàn tật, mất cảm giác do di chứng của bệnh phong, thầy vẫn chăm chỉ luyện cầm cây bút, viên phấn. Trải qua quá trình tập luyện, đôi bàn tay teo cơ do liệt dây thần kinh ngoại biên của thầy dần dần quen với việc cầm phấn. Sau này, thầy cầm bút gõ trên bàn phím máy tính sáng tác thơ văn.
Trong Bệnh viện Phong Quỳnh Lập, thấy các thiếu nhi bị mắc bệnh không được học hành, thầy đã đề nghị lãnh đạo Bệnh viện cho mở trường học. Sau 1.461 ngày điều trị, bằng bản lĩnh và ý chí thép, thầy Thìn đã chiến thắng bệnh tật, trở về quê hương, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".
Nguồn gốc của phong trào Nghìn việc tốt:
Khởi đầu tháng 3/1963, thầy và các bạn học sinh trong trường cùng nhau dọn vệ sinh trường lớp, bàn ghế, trồng cây xanh hai bên đường vào nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự. Chỉ trong 1 giờ, cả thầy và trò đã làm được 1 việc tốt, thầy đã nảy sinh ý tưởng phát động phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”. Từ đó, học tập theo lời Bác vừa là mục tiêu, nội dung và là biện pháp giáo dục mà thầy Thìn đặt ra.
Ý nghĩa của Phong trào Nghìn việc tốt:
Theo thầy Thìn, làm nghìn việc tốt không đơn thuần chỉ là 1.000 việc tốt. Từ “nghìn” không có một con số cụ thể, nó mang nghĩa là rất nhiều, không đếm được. Ban đầu, phong trào được phát động trong hàng ngũ thiếu niên, nhi đồng nhằm giáo dục con người thói quen làm việc tốt từ khi còn nhỏ. Đó là các học sinh cắt phiên thay nhau chăm sóc, chép hộ bài khi bạn ốm; khi bạn bị đau chân, các em phân công nhau cõng bạn đến lớp... Về nhà, các em là người chăn thả trâu bò, vỗ béo đàn lợn, chăm sóc đàn gà, giúp đỡ cha mẹ cơm nước. Từ đó, hàng loạt các khẩu hiệu như “Xóm thôn nghìn việc tốt”, “Gia đình nghìn việc tốt”, “Lớp học nghìn việc tốt”… được triển khai.