Bác Hồ luôn có sự quan tâm đến việc bồi dưỡng và giáo dục các cháu thiếu nhi trở thành những người có ích cho xã hội. Bác coi thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng. Nhiều lời dạy của Bác đối với thiếu nhi đã được các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam khắc cốt ghi tâm. Sau 30 năm xa Tổ quốc, mùa xuân năm 1941, Bác trở về. Mặc dù bận trăm công nghìn chuyện, nhưng Người vẫn luôn dành cho thiếu nhi những tình cảm đặc biệt. Những bài viết của Người dành cho các em, đặc biệt là những bài thơ cũng khiến cho người lớn cảm thấy xúc động, thấm thía. Thơ Người viết cho thiếu nhi cũng là một hình thức kêu gọi, tuyên truyền cách mạng. Người gợi mở dẫn dắt các em hiểu vì sao nước mất, nhà tan, vì sao các em lại phải bị thiệt thòi, phải sống trong cảnh:
"Học hành, giáo dục đã không,
Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa.
Sức còn yếu, tuổi còn thơ,
Mà đã khó nhọc cũng như người già!
Có khi lìa mẹ, lìa cha,
Ði ăn ở với người ta bên ngoài'.
Và Người giải đáp:
"Ấy là vì Nhật, vì Tây
Ra tay vơ vét đọa đày chúng ta'"
Rồi từng bước, Bác mở rộng nhận thức suy nghĩ, cắt nghĩa nguyên nhân đi đến vận động, giáo dục, giác ngộ các cháu phải làm gì. Người viết đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện rằng:
"Vậy nên trẻ con nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!
Kẻ lớn cứu quốc đã đành,
Trẻ em cũng phải ra dành một vai'.
Từ đó mà Bác kêu gọi các cháu hăng hái, tự nguyện tham gia Hội Nhi đồng cứu quốc - một tổ chức của Mặt trận Việt Minh:
"Nhi đồng cứu quốc Hội ta,
Ấy là lực lượng, ấy là cứu sinh
Ấy là bộ phận Việt Minh,
Dân mình khắc cứu dân mình mới xong".
Tuy nhiên, rất chí tình, rất cụ thể, Người dạy bảo rằng "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tùy theo sức của mình "Để tham gia kháng chiến, Ðể gìn giữ hòa bình".
Tuy nhiên, trong những lời dạy của Bác, thì nổi bật nhất vẫn là 'Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng'. Ngày 14-5-1961, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Ðội thiếu niên tiền phong, Bác đã gửi thư căn dặn các cháu năm điều:
1- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
2- Học tập tốt, lao động tốt.
3- Ðoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
4- Giữ gìn vệ sinh.
5- Thật thà, dũng cảm.
Năm điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng hàm chứa những truyền thống quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta. Ðó là truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược; ham học hỏi, cầu tiến bộ; đoàn kết, nhân ái, thương người như thể thương thân; lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo và mối quan hệ tin cậy, chân thật trong cộng đồng. Ðặc biệt, theo ông Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ thì, năm 1965, để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học, Bác nhận thấy 'Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng' như ta đã biết ở trên có điều gì đó chưa thật cân đối. Bởi ba câu đầu mỗi câu có sáu chữ, còn hai câu sau chỉ có bốn chữ. Bác suy nghĩ và bổ sung cho mỗi câu đủ sáu chữ. Nhất là câu thứ năm, Bác thêm chữ 'Khiêm tốn', vì từ năm 1965 trở đi đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá miền bắc. Ðó cũng là thời kỳ ở miền bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền nam xuất hiện nhiều gương 'Dũng sĩ diệt Mỹ'. Bác không muốn các cháu vì thế mà sinh lòng tự kiêu. Bác muốn các cháu khiêm tốn. Vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi. Và đó cũng là lý do cho sự ra đời 'Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng' hoàn chỉnh như ngày nay:
Từ đó đến nay, 'Năm điều Bác Hồ dạy' đã trở thành tiêu chuẩn đạo đức của trẻ em Việt Nam phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành Cháu ngoan Bác Hồ. Nghe theo lời dạy của Người, thiếu niên và nhi đồng khắp nơi trong cả nước đã hăng hái thi đua tham gia phong trào 'Hai tốt', phong trào 'Thiếu nhi làm nghìn việc tốt thực hiện năm điều Bác Hồ dạy', v.v.
Hơn 50 năm Bác đã đi xa, từ đó đến nay ta không còn được đọc thư của Bác. Nhưng tấm lòng yêu thương, những vần thơ đầy tình, nặng nghĩa, những lời dạy bảo chí tình của Bác kính yêu thì vẫn còn đó, luôn đồng hành cùng cuộc sống lao động, học tập với các em.