Ngày 06/12/2018; trường Tiểu học Giang Biên đã tổ chức cho 135 em học sinh khối lớp 3 đi tham quan, học tập tại: Đình Thổ Khối (phường Cự Khối) và Đền Trấn Vũ (phường Thạch bàn) ; nhằm giúp học sinh tìm hiểu giá trị của các di tích lịch sử văn hóa của địa phương và của quận; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục đạo đức, nếp sống văn hóa; giáo dục lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước và ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Điểm đầu tiên các em học sinh đến tham quan là Đình làng Thổ Khối- Một ngôi đình cổ rất đẹp, được xây dựng trên khu đất cao và rộng thuộc phường Cự Khối; đình quang, hướng chính nhìn ra sông Hồng Hà. Tại đây, các em học sinh được tham quan Đình làng, được nghe các cụ trong Ban quản lý di tích giới thiệu về lịch sử xây dựng Đình làng cũng như giới thiệu về tiểu sử các vị thần thờ ở Đình Thổ Khối như: Đào Duy Trinh; Cao Sơn Đại Vương; Linh Lang Đại Vương; Bố Cái Đại Vương; Bạch Đa Đại Vương; Quỳnh Hoa Công Chúa…. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; Đình làng là nơi hoạt động của các chiến sĩ cách mạng; Sau năm 1945, sân đình là nơi luyện tập quân sự, tuyển quân, tổ chức họp mặt, mít toinh, kêu gọi dân làng hưởng ứng các phong trào yêu nước, cứu nước, xóa nạn mù chữ…Hiện tại Đình Thổ Khối còn lưu giữ được nhiều di vật cổ từ thời thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Gồm 6 bộ ngai, 6 bài vị, các cỗ kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XvlII, cùng 79 đạo sắc phong của các đời vua cho các Thánh được thờ trong đình.
Đình làng Thổ Khối
Ngoài ra, đình còn 5 tấm bia cổ và văn bia cho ta biết được lịch sử ngôi đình và những lần trùng tu vào các năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785), Minh Mệnh thứ 3 (1822), Minh Mệnh thứ 18 (1837), năm 1861, năm Quý Mùi (1883). Đặc biệt, văn bia khắc năm Minh Mệnh thứ 3 ghi rõ địa thế của đình chỗ: “Đất này cao mà thẳng, phía trước có đầm lại được hướng cả trong lẫn ngoài, cả trước lẫn sau''. Hội làng mở vào ngày mùng 8,9,10 tháng 2 hàng năm, chính hội là mùng 9-2. Mở đầu hội là lễ cáo yết thần linh bán thổ, tiếp đó là rước nước từ sông Hồng về để làm lễ mộc dục. Xưa, làng có 6 giáp nên phải xin thần cho giáp nào được làm lễ mộc dục. Lễ tế các Thánh được cử hành trang trọng. Cỗ cúng dâng các Thánh không được dùng gà trắng, vì có Thần Bạch Đa Đại vương thờ trong đình.
Sau khi được trải nghiệm, tham quan đình Thổ Khối; các thầy cô giáo tiếp tục đưa các em học sinh đến tham quan khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Đền Trấn Vũ . Đền Trấn Vũ có tên chữ là “ Trấn Vũ quán” hay “ Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Đền Trấn Vũ được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1496). Trải qua thăng trầm, biến cố của lịch sử, đền được sửa chữa nhiều lần, đến nay còn giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của thời Nguyễn.
Đền Trấn Vũ gồm 3 tòa kiến trúc chính gồm: Đại bái, trung cung và hậu cung. Hai tòa trước đều có 5 gian, dưới dạng tường hồi bít đốc, chung một máng nước. Khách thập phương khi bước vào ngôi đền có cảm giác hai tòa nhà hài hòa, hợp thành một không gian nội thất thống nhất.
Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ
Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc. Trên đồng có gò đất nổi lên được coi là hình Rùa. Sau đền và chùa là đê sông Hồng, được coi là hình Rắn (hay Rồng). Cũng theo sự tích, thì Thần Trấn Vũ đã thu phục yêu Rắn và yêu Rùa, vì thế hình tượng Trấn Vũ có kèm hình Rắn quấn trên thanh kiếm Thất Tinh chống trên lưng Rùa. Theo một số nhà nghiên cứu thì Rắn và Rùa thuộc loài vẩy ráp, chủ về nguồn nước, lạnh, tà, âm. Trấn Vũ diệt yêu Rắn, yêu Rùa được coi là biểu tượng Thần trị thủy,chống lụt. Theo quan niệm Đạo giáo, thần Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiệm trấn giữ phương Bắc và biểu tượng cho mùa Đông.
Sau một buổi tham quan học tập, tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa của địa phương; các em học sinh đã có thêm những hiểu biết về các di tích lịch sử trên địa bàn Quận Long Biên; từ đó các em càng tự hào và yêu quê hương quận Long Biên sau 15 thành lập và phát triển. Về nhà cácem sẽ hoàn thành bài thu hoạch bằng nhiều hình thức như: Viết cảm tưởng; làm thơ; vẽ tranh về những cảm nhận của bản thân sau chuyến tham quan học tập bổ ích và lý thú.
Một số hình ảnh học sinh tham quan, học tập tại Đình Thổ Khối và Đền Trấn Vũ:
Nguyễn Thị Sáu