VTV.vn - Đó là đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp thứ nhất Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021- 2026.
Sáng 7/12, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh chủ trì Phiên họp thứ nhất Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021- 2026.
Tham dự Phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Hội đồng và các thành viên Cơ quan giúp việc Hội đồng cùng dự.
Tại Phiên họp, Hội đồng đã thảo luận, cho ý kiến về công tác phối hợp giữa các lực lượng Quân đội, Công an và các Bộ, ban, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19; thúc đẩy triển khai lực lượng vũ trang nhân dân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; công tác bảo đảm an ninh mạng và tác chiến trên không gian mạng trong tình hình hiện nay.
Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng đã biểu dương các lực lượng Quân đội, Công an, Ngoại giao đã có những đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian qua. Các lực lượng Quân đội, Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương cùng các lực lượng liên quan quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực, vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa bảo đảm tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, công tác bảo đảm an ninh kinh tế, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về kinh tế, trật tự xã hội được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, xác định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch COVID-19, công tác ngoại giao vacccine đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, tổng lực ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là ở cấp cao trong tất cả các hoạt động song phương và đa phương, thông qua tất cả các kênh và nhiều hình thức, góp phần vận động viện trợ và hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vacccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19.
Công tác hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh tiếp tục được đẩy mạnh với việc thúc đẩy triển khai lực lượng Quân đội tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã và đang hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, để lại ấn tượng tốt đẹp, được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao, góp phần khẳng định trách nhiệm và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp quan trọng vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình an ninh, an toàn không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng Quân đội, Công an đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tác chiến mạng, tác chiến thông tin, bảo đảm an ninh mạng, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hoạt động tấn công mạng, tăng cường phòng thủ, bảo vệ an ninh hệ thống mạng thông tin quốc gia; đấu tranh ngăn chặn, phản bác những nội dung xấu độc, vi phạm trên không gian mạng.
Thời gian tới, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhất là với nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm hơn, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng đề nghị lực lượng Quân đội, Công an và các lực lượng liên quan cần tiếp tục phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ để triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình liên quan đến an ninh kinh tế, nhất là đánh giá những tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới; kịp thời tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là ngoại giao vacccine ở các cấp, thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có đối ngoại quốc phòng, đối ngoại an ninh để thúc đẩy vận động các nước, các tổ chức, cá nhân ưu tiên hỗ trợ, viện trợ Việt Nam về vacccine, thuốc điều trị cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vacccine, thuốc điều trị, hướng tới tự chủ và bảo đảm nguồn cung vacccine, thuốc điều trị bền vững.
Về nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh lực lượng Quân đội cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng lực lượng và địa bàn tham gia; lực lượng Công an trước mắt tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện để chuẩn bị cử cán bộ, sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh tình hình an ninh, an toàn không gian mạng tiếp tục diễn phức tạp, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, thời gian tới, lực lượng Quân đội và Công an cần tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp, nhất là hoàn thiện cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin và quy trình phối hợp xử lý giữa các lực lượng trong công tác bảo đảm an ninh mạng và tác chiến không gian mạng. Cùng với đó là xử lý kiên quyết đối với các thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước; tăng cường các biện pháp ứng phó với các hành vi tấn công mạng đang xuất hiện ngày càng nhiều trong mọi lĩnh vực; đảm bảo vấn đề an toàn an ninh mạng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Về chương trình công tác năm 2022, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh đến yêu cầu nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch tương ứng với diễn biến tình khu vực và thế giới, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên, cơ quan của Hội đồng phát huy vai trò trong công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Đặc biệt là chủ động phòng ngừa, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống cả trong trước mắt và lâu dài. Đi liền với đó là tăng cường kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.