Em về đây chăm vườn hoa cho Tổ quốc
Ươm xanh những nụ hồng trong tim cháy bỏng niềm tin
Em về đây hôm nay em là cô giáo
Yêu người bao nhiêu em yêu nghề bấy nhiêu !
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt. Với Bác, trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước. Bác nói: “cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Đặt niềm tin và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của trẻ em là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc: “Bác mong các cháu chăm ngoan. Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng. Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”, Bác còn thường xuyên quan tâm nhắc nhở và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các ngành, đoàn thể. Trong Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Qua các bài nói, bài viết và bằng những việc làm cụ thể, Người đã đặt nền tảng tư tưởng và nêu tấm gương sáng về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ươm “mầm xanh tương lai” của đất nước.
Trong những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư hàng đầu cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em.
Gần đây, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu và cả trong nước nên nhiều nơi trẻ em không được đến trường để học tập trực tiếp. Với tinh thần “Dừng đến trường nhưng không dừng học”, việc giảng dạy của giáo viên được chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Còn học sinh học tập tại nhà qua các thiết bị như máy tính, Ipad, điện thoại … Để không em nào bị bỏ lại phía sau vì lí do thiếu thiết bị học tập, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã dành tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn máy vi tính. Đó là việc làm vô cùng nhân văn và có ý nghĩa to lớn, tạo điều kiện cho tất cả trẻ em đều được học tập. Đối với mỗi thầy cô giáo, việc giảng dạy cũng thay đổi rất nhiều. Phấn trắng, bảng đen không còn là những phương tiện để thầy cô truyền tải kiến thức hằng ngày nữa. Các thầy cô chuyển sang giảng dạy bằng các phần mềm như Zoom, Team, Google Meet… và sử dụng các phần mềm khác để tiết học được sinh động, hấp dẫn, thú vị hơn như Padlet, Azota, Classpoit, Classkick… Để giúp giáo viên sử dụng công nghệ thông tin thành thạo trong dạy học trực tuyến, phòng giáo dục và đào tạo quận Long Biên đã tổ chức khóa học bồi dưỡng CNTT cho tất cả giáo viên trong toàn quận ngay từ đầu năm học. Vậy nên, dù học sinh chưa được đến trường nhưng việc học tập của các em vẫn luôn đảm bảo đúng tiến độ, đúng chương trình.
Trong buổi mít tinh kỉ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, bài hát “Bài ca cô giáo trẻ” do các cô giáo trường Tiểu học Giang Biên thể hiện với một niềm tự hào và yêu nghề tha thiết. Đó cũng chính là lời khẳng định: “Nghề giáo viên giống như người truyền lửa. Muốn thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương thì trái tim người thầy phải có lửa.”
- Cô giáo: Nguyễn Thị Lý -