Trong lớp học trực tiếp, giáo viên có thể ứng phó với các vấn đề một cách nhanh chóng, giúp học sinh đi đúng hướng và dễ dàng đưa ra chỉ dẫn mỗi khi học sinh cần được giúp đỡ. Khi học online, việc quản lý lớp học trở nên khó khăn và tốn thời gian hơn rất nhiều. Giáo viên không phải là những người duy nhất cần thời gian để làm quen với việc dạy học online, học sinh cũng cảm thấy rất lạ lẫm khi phải học trực tuyến. Ngoài những kỹ năng về máy tính, học sinh cũng phải học cách tương tác hiệu quả với mọi người trong lớp học và việc này thì mang lại rất nhiều khó khăn. Những vấn đề về kỹ thuật phát sinh trong tiết học hoặc trong quá trình nộp bài tập có thể khiến mọi người khó chịu. Các em nhỏ khi học online có thể không nhận được đầy đủ những sự chỉ dẫn cần thiết. Điều này có thể là do bố mẹ các bé không có thời gian cũng như những kỹ năng máy tính cần thiết. Học sinh sẽ phải tự làm mọi việc và tìm ra giải pháp cho riêng mình, điều này làm tốn nhiều thời gian và khiến các bé nản chí, mất cảm hứng khi học.
Giáo viên tạo nhiều hình thức để gây hứng thú trong lớp học như khi vào học, điểm danh lớp, cô giáo mở phòng học cho học sinh ngồi như đang gần nhau trong lớp học. Các con cảm thấy rất vui và hào hứng trước khi bắt đầu vào giờ học của mình.
Tạo không khí đầu giờ học Online – Lớp 4A1
Vậy làm thế nào để học sinh hứng thú trong học tập đó là điều mà mỗi giáo viên luôn trăn trở và suy nghĩ. Chính vì lẽ đó mà mỗi giáo viên đều làm nhiều các phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho học sinh. Luôn đa dạng các bài giảng và sử dụng ba hoặc bốn cấu trúc bài giảng khác nhau. Quan tâm đến bài tập về nhà cũng như những bình luận của học sinh. Giúp học sinh cảm thấy mình đặc biệt trong lớp học. Để gây sự hứng thú và tập trung chú ý cho trẻ, cô giáo cần xây dựng kế hoạch bài học phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh khi học online như: điều chỉnh về thời lượng tiết dạy, đa dạng hóa phương pháp và hình thức dạy học...
Căn cứ vào đối tượng học sinh của lớp, giáo viên cần xác định một tiết học bao nhiêu phút, một buổi học bao nhiêu tiết, xen kẽ giữa các tiết học là tổ chức những hoạt động nào để học sinh đỡ căng thẳng và mệt mỏi. Dạy học trực tiếp các em được giao lưu, được trò chuyện vui vẻ, có nhiều thời gian chơi đùa cùng nhau sau mỗi giờ học căng thẳng. Học online, thời gian mỗi tiết khoảng 30 phút đến 35 phút, giáo viên cần tạo tâm thế cho học sinh trong mỗi bài học làm sao để các em cảm thấy hứng thú và yêu thích giờ học.
Trong khoảng thời gian đó, giáo viên cần dành khoảng 3 phút đầu để khởi động, tạo hứng thú học tập cho học sinh, khi học sinh đã tập trung chú ý thì giáo viên dạy những kiến thức trọng tâm của bài học. Khi nhận thấy học sinh mệt mỏi, không tập trung, giáo viên nên tổ chức các trò chơi, các hoạt động vận động cho học sinh. Cuối mỗi tiết học, giáo viên cũng có thể dành 3 phút để có thể tổ chức trò chơi để củng cố bài học và kích thích sự tương tác của học sinh trong lớp thi đua học. Với cách làm này chắc chắn rằng các tiết học trong lớp của cô và trò sẽ không nhàm chán.
Một số hình ảnh trong các bài học của lớp 4A1
Kiến thức bài học lồng thực tế và hình ảnh thú vị dưới đại dương
Vòng quay ô chữ tạo hứng thú khi khởi động bài học.
Trò chơi củng cố sau bài học lớp 4A1
Kết quả sau khi học sinh tham gia trò chơi
Một số thư khen sau các giờ học
Tác giả
Nguyễn Thị Hồng Hạnh