THEO DẤU CHÂN NGƯỜI.
Ngày 8-12-1919, báo cáo của mật thám Pháp chuyên theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đang sống ở Pari vừa nhận được một bức thư của Phan Chu Trinh gửi tới. Cũng trong tháng 12-1919, báo cáo của mật thám cho biết Nguyễn Ái Quốc bày tỏ ý muốn lập một Hội tương tế Đông Dương nhằm giúp những người dân thuộc địa đang sống ở Pháp giữ gìn và phát triển tốt những kiến thức thu lượm được ở đây.
Tháng 12-1940, từ Nam Ninh (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đóng vai một nhà báo, cùng Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp đi tìm Vũ Anh từ trong nước sang rồi đi tiếp tới Tĩnh Tây (Trung Quốc). Tại đây, có thêm Võ Nguyên Giáp bàn việc mở lớp huấn luyện, gặp Lê Thiết Hưng giao nhiệm vụ quân sự.
Ngày 8-12-1961, Bác về thăm quê hương Nam Đàn. Nói chuyện với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bác nhấn mạnh: “Tất cả cái gì về quốc kế dân sinh ở Nghệ An là các cô, các chú phụ trách. Muốn như thế thì phải nắm vững nguyên tắc gì? Một là, nguyên tắc đoàn kết nội bộ. Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Muốn làm tốt việc ấy, còn phải gì nữa? Phải dân chủ nội bộ. Muốn dân chủ nội bộ tốt thì cần gì nữa? Phải phê bình, tự phê bình. Cái này nó dính cái khác”. Bác đặc biệt quan tâm đến vấn đề: “Trồng cây gây rừng là rất quan trọng... Bác có kinh nghiệm trồng cây trong 5 năm là có thu hoạch... Nếu trồng cây nào tốt cây ấy thì trong 5 năm lợi rất to... Nông thôn của ta, nhà ở của đồng bào phần nhiều đang ọp ẹp, tối tăm, chẳng ra sao... Dân sinh là cái gì? Là cái ăn, cái mặc, cái ở. Ba cái đó đều quan trọng. Ăn, mình tăng gia sản xuất được. Mặc, mình tăng gia sản xuất được. Chứ còn nhà ở thì sao? Muốn làm nhà ở phải có cái gì? Gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Nếu bây giờ trở đi không trồng cây cho tốt thì lấy gỗ đâu?”.
(
Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010 )