Ngày 1/4/2023 Lớp 3A1 các bạn học sinh tìm hiểu ý nghĩa về Tết Hàn Thực. Các bạn nhỏ đã tham gia vào thử thách "Thử tài của bé".
Hằng năm, cứ đến ngày 3 tháng 3 Âm lịch, người dân Việt Nam lại tất bật chuẩn bị những đĩa bánh trôi bánh chay, chuẩn bị lễ cúng Tết Hàn Thực? Vậy Tết Hàn Thực là ngày gì?
Trong ngày 3 tháng 3 Âm lịch, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng, bày tỏ lòng thành, hướng về cội nguồn.
Bánh trôi, bánh chay của người Việt cũng không giống với người dân Trung Quốc mà mang trong mình đặc sắc riêng của nền ẩm thực Việt Nam. Người Việt Nam cũng quen gọi ngày Tết này với cái tên dân dã là Tết bánh trôi, bánh chay nhiều hơn Tết Hàn Thực.
Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là kết tinh của văn hóa Việt, thấm đẫm linh hồn, bản sắc của người Việt.
Cả hai loại bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, là thành quả lao động vất vả dâng lên ông bà tổ tiên, là hình ảnh thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam cùng với các loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh giầy,...
Đặc biệt, hình ảnh những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, trắng bóc xếp đầy cạnh nhau trên đĩa còn mang hàm ý tưởng nhớ tới sự tích “mẹ Âu Cơ cùng bọc trăm trứng”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở thành 50 người con theo Âu Cơ lên rừng, bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng trở thành 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no. Chính vì vậy người dân Việt mới sử dụng hình ảnh bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành, tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên vào dịp Tết Hàn Thực.