Văn miêu tả rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta, nhờ văn miêu tả các em thể hiện được nét vẽ hoặc câu văn chân tướng sự việc một cách độc đáo. Do đó, muốn làm tốt một bài văn miêu tả, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học các em cần kết hợp giữa nhiều yếu tố kỹ năng khác nhau như: quan sát, tả, so sánh, tưởng tượng, cảm nhận…
Yếu tố 1: Nắm chắc được đề bài
Yếu tố 2: Rèn luyện và phát triển khả năng quan sát của học sinh
Yếu tố 3: Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý chi tiết và cụ thể cho bài viết
Yếu tố 4: Viết đoạn văn và bài văn cụ thể
Yếu tố 5: Rèn luyện kỹ năng sử dụng các biện pháp nghệ thuật và tích lũy vốn từ ngữ, kiến thức thông qua các phân môn khác của văn học
Yếu tố 1: Nắm chắc được đề bài
Nắm chắc được yêu cầu của đề bài là một thao tác rất quan trọng của mỗi học sinh trong khi làm văn nhất là làm văn miêu tả. Việc nắm được đề bài các em sẽ biết được đây thuộc kiểu bài gì, đối tượng là ai, phương thức và cách thức làm bài như thế nào? Đồng thời khi nắm được yêu cầu đề bài học sinh sẽ lựa chọn những cách làm bài hay phù hợp để bài viết mình tốt nhất, bám sát vào đối tượng để làm nổi bật đối tượng.
Ví dụ: Miêu tả cây bàng ⇒ Học sinh biết được đây thuộc kiểu văn miêu tả, đối tượng là cây bàng, dạng bài là miêu tả cây cối, trình tự làm sẽ theo các bước của dạng bài miêu tả cây cối.
Yếu tố 2: Rèn luyện và phát triển khả năng quan sát của học sinh
Kỹ năng quan sát là kỹ năng quan trọng nhất trong làm văn nhất là văn miêu tả. Việc viết bài tốt hay không dựa vào sự quan sát tỉ mỉ hay hời hợt của từng học sinh. Bạn nào quan sát tốt, tỉ mỉ thì bài viết sẽ sâu sắc, trau truốt, còn bạn nào ít tập trung trong quan sát thì bài viết hời hợt, khô khan, ít hình ảnh hơn. Chính vì vậy việc quan sát trong bài văn miêu tả rất cần thiết, nhưng cần quan sát như thế nào cho đúng thì học sinh tiểu học cũng cần có phương pháp.
– Quan sát theo trình tự hợp lí: Đó là việc các em quan sát từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể, quan sát tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ cụ thể để tìm ra điểm nổi bật của sự vật, hiện tượng đó.
– Quan sát bằng nhiều giác quan: đây là thao tác quan trọng trong quá trình viết văn của học sinh tiểu học. Bên cạnh sự quan sát bằng mắt học sinh còn nên quan sát bằng thính giác (Lắng nghe tiếng kêu, tiếng động của sự vật hiện tượng), khiếu giác (ngửi được hương thơm của các loài hoa, động vật…). Với sự kết hợp đó thì học sinh sẽ có sự hình dung sinh động về sự vật hiện tượng qua bài viết hơn.
– Quan sát để phát hiện và tìm ra đặc điểm nổi bật của sự vật hiện tượng đó: Sở dĩ phải có thao tác này chính là vì để tránh việc đối tượng nào cũng như đối tượng nào thì mỗi đối tượng trong bài viết cần phải đặc điểm riêng, tránh sự nhàm chán, khô khan.
Yếu tố 3: Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý chi tiết và cụ thể cho bài viết
Lập dàn ý là thao tác quan trọng của mỗi học sinh trong quá trình viết bài, thao tác này giúp cho học sinh tránh việc bỏ sót ý, viết lan man, không đúng chủ đề. Để lập dàn ý cụ thể chi tiết học sinh tiểu học cần
- Chọn cho mình những chi tiết hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc: Sau khi đã quan sát thì học sinh đã tìm cho mình những điểm nổi bật của sự vật, học sinh cần liệt kê ra bài nháp của mình, lựa chọn các chi tiết, hình ảnh đắt giá để đưa vào bài viết làm bài viết thêm sinh động rõ nét hơn
- Sắp xếp các ý: Khi đã lựa chọn được các chi tiết hình ảnh tiêu biểu nhưng học sinh vẫn chưa có sự sắp xếp hợp lí, logic, vì thế thao tác tiếp theo chính là sắp xếp các chi tiết, hình ảnh đó một cách hợp lí, phù hợp nhất, từ đó tạo nên bố cục hoàn chỉnh cho bài viết.
Ví dụ: Tả về cây bàng
Tả bao quát: Trông như thế nào, tới gần dáng vẻ ra làm sao?
Tả bộ phận: Gốc, rễ, thân, cành, lá, quả, …
Lợi ích của cây bàng đem lại cho chúng ta là gì?
Yếu tố 4: Viết đoạn văn và bài văn cụ thể
Đây là bước cuối cùng để hoàn thiện bài viết. Khi đã có tư liệu, hình ảnh, dàn ý cụ thể thì các em tiến hành viết bài. Tùy theo yêu cầu của đề bài hoặc của giáo viên mà các em viết đoạn văn hoặc bài văn. Về mặt hình thức bài văn phải đầy đủ ba phần là mở bài, thân bài, kết bài. Khi kết thúc mỗi đoạn trong bài viết cần xuống dòng lùi vào một ô và viết hoa chữ cái đầu tiên.
Trong các đoạn văn của bài viết phải có sự liên kết ý chính sự rời rạc, không mạch lạc. Còn về hình thức đoạn văn thì không được xuống dòng, đoạn văn lùi vào một ô viết hoa chữ cái đầu không có mở bài thân bài kết bài như bài văn. Nhưng đoạn văn cũng phải có mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn diễn đạt trọn vẹn một ý hoặc một nội dung cụ thể nào đó.
Ví dụ: Trong bài viết tả về cây xà cừ ở sân trường em thì có thể chia thành các đoạn sau:
Đoạn 1: Giới thiệu về cây xà cừ trường em
Đoạn 2: Tả bao quát về cây xà cừ (từ xa trông như thế nào, lại gần dáng vẻ làm sao?)
Đoạn 3: Tả chi tiết từng bộ phận của cây xà cừ: gốc, rễ, thân, cành lá, quả…
Đoạn 4: Tình cảm của em dành cho cây xà cừ
Yếu tố 5: Rèn luyện kỹ năng sử dụng các biện pháp nghệ thuật và tích lũy vốn từ ngữ, kiến thức thông qua các phân môn khác của văn học
Như chúng ta đã biết để cho bài miêu tả trở nên sinh động hơn thì ngoài việc quan sát và viết vẫn chưa đủ, học sinh cần phải sử dụng thêm các biện pháp nghệ thuật tu từ như: so sánh, nhân hóa, điệp từ, từ láy, từ tượng hình, từ tượng thanh…Tuy nhiên các phân môn trong văn học đều có sự tích hợp, bổ sung kiến thức cho nhau vì vậy giáo viên cần phải có sự mở rộng kiến thức cho học sinh, đồng thời học sinh cần rèn luyện để tăng khả năng mở rộng vốn từ hơn. Cụ thể qua từng phân môn học sinh cũng sẽ tăng được kiến thức của mình về cuộc sống hơn.
Tập đọc: Trong phần tập đọc, từ ngữ rất đa dạng phong phú, việc đọc chính xác và nắm được các từ ngữ là điều cần thiết. Ở quá trình tập đọc, học sinh sẽ được tiếp xúc với các loại từ ngữ khác nhau, từ ngữ đó miêu tả sâu sắc được đặc điểm của sự vật hiện tượng. Một số cách dùng từ của tác giả nổi tiếng giáo viên cần phải lưu ý cho học sinh xem cái hay cái đẹp của nó ở đâu, dần dần học sinh sẽ phát hiện và phân biệt được cách dùng từ này.
Ví dụ: Thân cây bàng khẳng khiu, cao vút, có những vòm lá xanh tươi mát ⇒ Ở đây sử dụng nghệ thuật so sánh và các từ có chọn lọc
Luyện từ và câu: Ở phân môn này học sinh được học các từ các câu được phân theo chủ điểm khác nhau. Chính vì thế đã tạo cho học sinh môi trường rèn luyện và gia tăng vốn từ rất tốt. Ngoài việc biết phân biệt các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, học sinh còn biết viết câu có hình ảnh.
Ví dụ: Cho hai câu sau
Câu 1: Cây xà cừ rất to
Câu 2: Nhìn từ xa, cây xà cừ trông như một chiếc ô xanh lớn bảo vệ cả ngôi trường.
⇒ Như vậy ở cùng cả hai câu có cùng nội dung nhưng học sinh đều lựa chọn cách viết câu có hình ảnh và sử dụng nghệ thuật hơn câu bình thường.