Cô giáo Hứa Thu Huyền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên - Quận Long Biên- Hà Nội đã có thâm niên hơn 27 năm công tác trong ngành giáo dục, hoàn cảnh cô hết sức khó khăn: Khi con trai lớn của cô lên 10 tuổi thì cô mang thai lần thứ 2 và cô sinh hạ được 3 bé gái. Các con cô sinh thiếu tháng nhẹ cân nên phải chăm sóc bởi chế độ đặc biệt, cuộc sống gia đình cô thời điểm đó hết sức khó khăn và vất vả khi bố mẹ chồng cô già yếu, ốm đau liên tục, chồng và chị chồng cô phải xin nghỉ hưu sớm để chăm sóc 3 cháu nhỏ và bố mẹ chồng cô, tiền lương của vợ chồng cô không đủ để mua sữa, mua bỉm và thuốc men cho 3 con nhỏ.
Nhưng trong công tác cô vẫn hết lòng tận tụy với công việc, luôn yêu thương quan tâm chăm sóc các em học sinh, sống giản dị luôn hòa đồng với mọi người, nên được đồng nghiệp kính trọng, học sinh yêu mến, phụ huynh tin tưởng. Cô là một nhà giáo mẫu mực, điển hình trong việc thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
|
Các cựu chiến binh làm công tác từ thiện tại điểm trường Nậm Mười.
|
Được biết, năm 1990 cô giáo Hứa Thu Huyền đã tình nguyện đến với trường Tiểu học Nậm Mười, là một ngôi trường miền núi, thuộc vùng đặc biệt khó khăn ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Cô phải đi bộ đường rừng, trèo đèo, lội suối, khoác ba lô, gùi từng cân gạo, cân muối, từng quyển vở, quyển sách…vượt chặng đường quanh co dốc núi hàng chục km để đến điểm trường trên đỉnh núi cao nhận nhiệm vụ dạy học, xóa nạn mù chữ cho đồng bào dân tộc Dao.
Người dân nơi đây với phong tục lạc hậu, điều kiện kinh tế quá khó khăn, nghèo đói, nạn tảo hôn vẫn tồn tại, họ không mấy quan tâm đến việc cho con em đi học, nhất là các bé gái, 6-7 tuổi đã gả bán về nhà chồng rồi. Cô và đồng nghiệp phải vất vả đến từng nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh cho các cháu nhỏ ra lớp. Năm 1992, cô được chuyển công tác về trường PTCS cấp I Số I thị xã Nghĩa Lộ (nay là trường Tiểu học Kim Đồng), là một trường điểm của thị xã Nghĩa Lộ - Tỉnh Yên Bái với bề dày thành tích. Sau khi lập gia đình được một thời gian, đến năm 1995 cô được chuyển công tác về trường PTCS cấp I Diêm Gỗ - huyện Gia Lâm - Hà Nội (nay là trường Tiểu học Ngô Gia Tự - quận Long Biên - Hà Nội).
Khi chuyển về trường Diêm Gỗ, cô được Ban giám hiệu phân công nhiều nhiệm vụ trái với chuyên môn: Nào là Tổng phụ trách Đội, kiêm Kế toán - Văn phòng, có thời gian trường không có nhân viên thư viện Ban giám hiệu lại phân công cô kiêm luôn cả công tác thư viện, đồ dùng dạy học. Một mình cô một lúc đảm nhận vị trí công việc của 2-3 người, nhưng cô không bao giờ từ chối hay kêu ca, phàn nàn về khối lượng công việc nhiều mà chế độ tiền lương không được cải thiện hơn.
|
Cô Huyền cùng Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội trong buổi tặng quà từ thiện.
|
Cô luôn tâm niệm: “Công việc người khác làm được, nếu cố gắng chắc mình cũng sẽ làm được, cứ thử sức xem sao?”. Vì vậy cô đã tự học, tự nghiên cứu tài liệu và hoàn thành nhiệm vụ được phân công ở mức tốt nhất, cô không hề nản lòng mà hết sức tận tụy, chịu khó tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp để tích lũy kiến thức chuyên môn cho bản thân.
Trong công việc cô luôn gương mẫu, yêu nghề, mến trẻ, hăng say, nhiệt tình, tích cực tham gia mọi phong trào hoạt động chung của trường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2003 cô được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Gia Tự, thời gian đầu nhận nhiệm vụ quản lý chuyên môn, cô vẫn phải kiêm nhiệm công tác Kế toán - Văn phòng, ngoài ra cô còn được đồng nghiệp tiếp tục tín nhiệm bầu làm chủ tịch Công đoàn, công việc vất vả, nhưng cô vẫn cố gắng hoàn thành tốt, sau khi UBND quận điều động nhân viên kế toán về trường, cô mới bàn giao công việc cho kế toán mới.
Trong suốt thời gian gần 2 nhiệm kỳ phụ trách chuyên môn kiêm chủ tịch Công đoàn, cô đã xây dựng được phong trào dạy và học của thầy và trò trường Tiểu học Ngô Gia Tự, có 5 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, viết chữ đẹp cấp quận, nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quận và cấp thành phố, trường đạt danh hiệu “Trường Chuẩn Quốc Gia mức độ I”, “Tập thể Lao động xuất sắc cấp Thành phố”, “Công đoàn vững mạnh xuất sắc”, “Liên đội mạnh cấp Quận”.
|
Gia đình cô Huyền luôn hạnh phúc dù có nhiều khó khăn.
|
Năm 2012, cô được UBND quận Long Biên điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng trường tiểu học Giang Biên. Hơn 1 nhiệm kỳ quản lý trường tiểu học Giang Biên, cô đã thổi một luồng gió mới cho trường tiểu học Giang Biên bằng tâm huyết, nỗ lực và tình yêu thương dành cho học sinh và đồng nghiệp, các phong trào hoạt động của nhà trường ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm học 2017-2018 UBND quận Long Biên đã quan tâm đầu tư kinh phí cải tạo và xây dựng trường tiểu học Giang Biên khang trang với đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.
Một điều đáng ghi nhận ở cô giáo Thu Huyền chính là nghị lực và ý chí luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn của gia đình cũng như ở môi trường công tác, nên dù ở cương vị nào cô cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết. Hơn 27 năm công tác, cô đã phát huy tinh thần tự học và sáng tạo, luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Cô đã tốt nghiệp 2 bằng đại học (chuyên ngành giáo dục tiểu học và quản lý giáo dục), ngoài ra cô còn tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ Tổng phụ trách Đội, Kế toán Hành chính Sự nghiệp, Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Báo chí…
Trong công tác cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành và ứng dụng nhạy bén những thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, làm tốt công tác “dân vận khéo” để cùng Ban giám hiệu nhà trường, các bộ phận chức năng, các đoàn thể cũng như đội ngũ giáo viên, nhân viên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Cô đã đạt danh hiệu Tổng phụ trách giỏi, Lao động giỏi cấp Thành phố, nhiều năm liên tục cô đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Chủ tịch Công đoàn giỏi”, cô có sản phẩm đồ dùng dạy học tự làm đạt giải nhất cấp quận, giải B cấp thành phố, có hơn chục đề tài sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại B, C cấp thành phố.
|
Cô Huyền ủng hộ đồng bào lũ lụt tỉnh Hà Tĩnh.
|
Ngoài công việc chuyên môn chính là quản lý chỉ đạo các hoạt động giáo dục ở trường, cô còn tham gia hoạt động các lĩnh vực âm nhạc, báo chí và công tác xã hội. Hiện nay cô là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội (chuyên ngành sáng tác), Hội viên Câu lạc bộ Ảnh báo chí - Hội Nhà Báo Việt nam, cộng tác viên một số báo, tạp chí. Cô có nhiều tác phẩm âm nhạc đạt giải thưởng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, được phát hành, phát sóng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và triển khai đến các trường học, các quận huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội và cả nước.
Các ca khúc cô viết cho thiếu nhi đều gắn với nội dung tuyên truyền giáo dục hết sức nhân văn và gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ đối với học sinh. Một số ca khúc tiêu biểu của cô Hứa Thu Huyền được nhiều người yêu thích như : Chú Hải Quân - Phỏng thơ Vân Đài (Đạt giải đặc biệt Ca khúc hè 2017, được nhiều đơn vị sử dụng nhất), Mái trường em yêu (Đạt giải khuyến khích sáng tác ca khúc cho học sinh phổ thông năm 2011), Một thoáng Long Biên (Đạt giải xuất sắc sáng tác ca khúc kỷ niệm 10 năm thành lập quận Long Biên năm 2013), Em yêu trường của em (Đạt giải C sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi năm 2015), Bốn mùa em yêu (Đạt giải B sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi năm 2017)..., nhiều tác phẩm báo chí của cô cũng được đánh giá cao khi viết về các đề tài được xã hội quan tâm.
Đặc biệt nhiều người biết đến cô còn bởi tấm lòng từ tâm hướng thiện: Hàng năm, cô đã kêu gọi, huy động các lực lượng xã hội ủng hộ cho các chương trình thiện nguyện, hỗ trợ, đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, hỗ trợ các gia đình chính sách, các cụ già neo đơn không nơi nương tựa…với hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, hàng nghìn suất quà và hàng trăm triệu đồng.
Từ tấm lòng nhân ái và việc làm thiết thực của cô đã có sức lan tỏa trong cộng đồng: Các cơ quan, doanh nghiệp, các doanh nhân, cựu chiến binh, các vị lãnh đạo các cấp, các nhà giáo, nhà báo, các phật tử, tình nguyện viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh…đã nhiệt tình ủng hộ, tài trợ và tham gia đồng hành, góp phần vào thành công chung của các chương trình thiện nguyện do cô phát động và tổ chức. Với cô “làm tốt hoạt động từ thiện nhân đạo nhằm chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mong muốn một xã hội tốt đẹp hơn, đồng thời qua việc làm thiết thực đó nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái cho các thế hệ học sinh”.
Cô Thu Huyền luôn thân thiện, cởi mở với mọi người, luôn lắng nghe góp ý từ các đồng nghiệp, mạnh dạn đổi mới công tác quản lý, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cô thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và sửa đổi lề lối làm việc, không chạy theo bệnh thành tích, chỉ đạo đội ngũ giáo viên thực hiện chất lượng dạy và học thật, đánh giá học sinh công bằng, khách quan. Phát động phong trào học tập, khơi dậy ý thức tự học, tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong tập thể giáo viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Chính sự nhiệt tình, sẵn sàng lắng nghe và sẻ chia kinh nghiệm, cô được đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh quý mến, phụ huynh tin tưởng.
Với thành tích cống hiến trong ngành Giáo dục, cô đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng ‘Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh”, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo”, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng “ Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ”, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen cấp thành phố và cấp quận… Cô giáo Thu Huyền xứng đáng là một tấm gương điển hình vượt khó, tận tụy, tâm huyết yêu nghề, yêu người.