Cô Hiệu trưởng Hứa Thu Huyền (đứng bên phải) cùng các học sinh đội văn nghệ của trường.
Mong có nhiều bài hát mới về thầy cô và mái trường
"Thầy cô và mái trường" là một trong những đề tài được nhiều tác giả quan tâm, khai thác và luôn có những tìm tòi, sáng tạo trong những tác phẩm của mình.
Theo nhà giáo Hứa Thu Huyền – Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội): Ca hát là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tuổi thơ. Có những "bài ca đi cùng năm tháng" của các nhạc sĩ gạo cội rất cần được lưu truyền và phổ biến.
Tuy nhiên, học sinh không mấy hào hứng khi chỉ được xem- nghe - hát những bài hát đã quá cũ, quá quen thuộc. Các em luôn khao khát có những bài hát mới và hay, có tiêt tấu rộn ràng, sôi động. Và nếu không định hướng đúng, các em rất dễ tiếp cận và thưởng thức những tác phẩm âm nhạc "thị trường" theo "trào lưu", thiếu tính giáo dục.
Thực tế, số lượng và chất lượng các ca khúc mới về "thầy cô và mái trường" hiện chưa thực sự phong phú để có thể thu hút được đông đảo giáo viên và học sinh cũng như công chúng yêu nhạc.
Hạn chế này một phần do công tác đào tạo đội ngũ nhạc sĩ kế cận chưa được quan tâm, khích lệ. Nhiều nhạc sĩ trẻ có tài năng, nhưng không mặn mà với việc sáng tác ca khúc cho học sinh vì thu nhập từ "nghề sáng tác" không đảm bảo cuộc sống. Một phần do thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu giải trí của giới trẻ với xu hướng âm nhạc "thị trường" không được kiểm soát chặt chẽ.
“Việc định hướng, giáo dục âm nhạc cho học sinh rất cần sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ của riêng đối với ngành giáo dục.”, bà Hứa Thu Huyền nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chị Thu Thuỷ (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Bản thân tôi là một nhà giáo, có con gái năm nay 12 tuổi, cháu có chút năng khiếu và rất thích ca hát. Tuy nhiên, các bài hát hay, hợp với lứa tuổi và chủ đề về nhà trường chủ yếu là các bài đã cũ. Tôi và cháu đều rất mong được thử sức với những sáng tác mới mà cũng chưa tìm được nguồn tiếp cận phù hợp".
Âm nhạc luôn được đánh giá là loại hình nghệ thuật quan trọng, là "món ăn tinh thần" được nhiều người yêu thích. Âm nhạc giúp con người khám phá thế giới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Trong môi trường giáo dục, âm nhạc chính là chất xúc tác không thể thiếu trong mối quan hệ giữa giáo viên với đồng nghiệp, với phụ huynh và học sinh cũng như trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Bản chất của âm nhạc là cái đẹp và cái thiện. Âm nhạc giúp giáo viên thêm vui vẻ, yêu nghề, yêu người, say chuyên môn hơn. Đồng thời, giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện về nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần”, chị Thu Thủy nhận định.
Hãy chung tay để lan toả những bài ca về mái trường
Nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác ca khúc viết về đề tài "Thầy cô và mái trường" được tổ chức hàng năm đã thu hút được nhiều người tham gia. Họ là những nhạc sĩ chuyên nghiệp và "nghiệp dư".
Cơ cấu và giá trị giải thưởng mỗi cuộc thi thường rất khiêm tốn; nhưng vì tình yêu, niềm đam mê mà các tác giả đã sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc có giá trị. Những ca khúc đoạt giải đèu là những tác phẩm có chất lượng, được Hội đồng thẩm định lựa chọn từ hàng trăm tác phẩm.
Tuy nhiên, khi cuộc thi khép lại thì các tác phẩm hầu như bị chìm trong im lặng và ít được công chúng biết tới. Đó là một thực trạng rất đáng buồn, bởi công tác phổ biến, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm mới không được các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục quan tâm đúng mức.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ trao giải C sáng tác ca khúc dành cho Thiếu nhi năm 2015 cho tác giả Hứa Thu Huyền.
Là một nhà quản lý giáo dục, cũng đồng thời là chủ nhân nhiều sáng tác đoạt giải các cuộc khi tìm kiếm ca khúc hay về chủ đề thầy cô và mái trường, bà Hứa Thu Huyền cho rằng: Sáng tác và phổ biến là 2 hoạt động song hành để một tác phẩm âm nhạc đến được với công chúng.
Một tác phẩm âm nhạc không thể chỉ là một bản nhạc được chép ra giấy, bởi từ những nốt nhạc, lời ca đến khi hoàn thiện một sản phẩm đĩa nhạc cần phải có kinh phí, phải mất nhiều công đoạn như: hòa âm, phối khí, thu âm, dàn dựng, biểu diễn...
Theo đó, bà Hứa Thu Huyền đề xuất, Ban tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác ca khúc nên lựa chọn, xuất bản "tuyển tập các ca khúc đoạt giải" kèm theo đĩa CD phát hành rộng rãi đến các cơ sở giáo dục để giáo viên và học sinh có cơ hội được tiếp cận và sử dụng.
Các cơ quan thông tấn, báo chí cũng cần tăng cường công tác giới thiệu tác phẩm mới đến công chúng yêu âm nhạc.
Thực tế, mặt trận sáng tác ca khúc cho nhà trường phổ thông gần như bị lãng quên đã khiến thị trường thiếu hụt trầm trọng những ca khúc âm nhạc mới, chất lượng, dành cho trẻ thơ.
Nhiều nhạc sĩ tâm huyết, có thể sáng tác được nhiều bài hát hay về đề tài "thầy cô và mái trường" nhưng tiền nhuận bút và thù lao cho hoạt động sáng tác âm nhạc quá thấp. Họ sẵn sàng bỏ một số tiền không nhỏ để hoàn thiện một sản phẩm âm nhạc nhưng họ không thể tự tìm "đầu ra" cho những "đứa con tinh thần" của mình để phổ biến, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Nhiều tác phẩm âm nhạc của họ đạt giải thưởng nhưng chỉ nằm trên giấy mà không được phát hành, phổ biến rộng rãi đến công chúng yêu âm nhạc và đến các nhà trường.
Bà Hứa Thu Huyền chia sẻ: Hưởng ứng các cuộc thi viết ca khúc về đề tài "thầy cô và mái trường", tôi cũng có một số sáng tác đoạt giải. Trong đó, "Mái trường em yêu" cũng là ca khúc đầu tiên tôi đạt giải khuyến khích "cuộc vận động sáng tác ca khúc cho trường phổ thông" năm 2011. Qua đó, giúp tôi có thêm động lực để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục âm nhạc cho học sinh.
Hàng năm, ngành giáo dục thường tổ chức các hội diễn, liên hoan văn nghệ các cấp, chủ đề "thầy cô và mái trường" với những ca khúc quen thuộc thường được các tập thể, cá nhân quan tâm, lựa chọn. Là cán bộ quản lý, tôi luôn khuyến khích giáo viên và học sinh sử dụng các ca khúc mới, có tính thời sự, tính giáo dục tham dự liên hoan.
Thực tế trường tôi hầu như đều lựa chọn, sử dụng các ca khúc mới, tự biên tự diễn tham gia Hội thi "Tiếng hát giáo viên, giai điệu tuổi hồng"; "liên hoan đồng ca hợp xướng" nhằm tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá những tác phẩm mới; được ban giám khảo và khán giả đánh giá cao về giá trị nội dung cũng như giá trị nghệ thuật ...và lần nào đi thi cũng đều đoạt giải.
Các Giải thưởng âm nhạc của nhà giáo Hứa Thu Huyền:
- Đoạt giải Khuyến khích "Cuộc vận động sáng tác ca khúc cho nhà trường phổ thông" năm 2011;
- Đoạt giải C phong trào "Hát và sáng tác ca khúc dành cho Thiếu nhi" các trường tiểu học thành phố Hà Nội" năm 2015
- Đoạt giải B trong phong trào "Hát và sáng tác ca khúc dành cho Thiếu nhi" các trường tiểu học thành phố Hà Nội" năm 2017.
- Đoạt giải Đặc biệt: “Tác giả bài hát được sử dụng nhiều nhất trong liên hoan múa hát tập thể và ca khúc măng non thiếu nhi Thủ Đô - Hè 2017" Do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.
- Đoạt giải Xuất sắc "Cuộc vận động sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập quận Long Biên” năm 2013
- Đoạt giải Xuất sắc "Cuộc vận động sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm kỷ niệm 15 năm thành lập quận Long Biên" năm 2018.