Rác thải nhựa là những chất không được phân hủy trong nhiều môi trường. Bao gồm nhiều loại chai lọ, túi đựng hay đồ chơi cũ… Chất thải ni lông gồm các bao bì bằng nhựa polyethylene (PE) sau khi sử dụng trở thành rác thải. Trong rác thải sinh hoạt còn có các loại nhựa khác cũng có chứa các loại nhựa phế thải. Rác thải ni lông thực chất là một hỗn hợp nhựa, trong đó chiếm phần lớn là nhựa PE. Để góp phần hạn chế rác thải nhựa cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về chất thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung
Cách tốt nhất để có thể giải quyết chất thải nhựa là mọi người cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng các đồ nhựa đồng thời thực hiện nghiêm túc các hoạt động thu gom, phân loại rác thải nhựa, không xả chúng bừa bãi ra bên ngoài môi trường. Do vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa là điều cần thiết. Tái sử dụng các loại chai lọ, sử dụng các dụng cụ ăn uống (bát, đũa, thìa, muỗng) bằng gỗ, sứ… hạn chế sử dụng túi nilong nếu không cần thiết, sử dụng bình thủy tinh đựng nước thay chai nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, chủ động phân loại rác thải, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa một lần.
2. Phân loại rác tại nguồn
Việc phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên, mang đến lợi ích cho chính chủ nguồn thải với việc tái chế một số phế liệu. Đồng thời, nó còn góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc bảo vệ và sử dụng hợp lý các loại tài nguyên, bảo vệ môi trường. Phân loại rác tại nguồn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tổng lượng rác thải từ cộng đồng thải ra ngoài môi trường. Đồng thời còn tiết kiệm được chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Để phân loại rác tại nguồn hiệu quả, cần phân biệt đúng các loại rác:
- Rác hữu cơ: thường là loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh mùi hôi thối như thức ăn thừa, vỏ trái cây, rau củ,…
- Rác vô cơ: gồm loại tái chế và không tái chế. Rác tái chế là loại rác có khả năng được tái sử dụng, có thể dùng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như giấy, bìa cát tông,… Rác không tái chế là loại rác thải đã qua sử dụng và không còn khả năng tái chế, chỉ có thể tiến hành xử lý và đưa ra ngoài môi trường.
- Chất thải nguy hại: loại rác chứa đặc tính gây nguy hại trực tiếp như dễ cháy, gây ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ nổ, lây nhiễm (pin hỏng, acquy, đèn huỳnh quang,…)
3. Tái chế các chất thải nhựa
- Biện pháp này giúp tận dụng rác thải nhựa để tạo nên những sản phẩm mới có ích được sử dụng nhiều lần.
- Tái chế rác thải nhựa mang đến nhiều ưu điểm, giúp làm sạch môi trường, tái sử dụng các tài nguyên, đồng thời còn tạo việc làm cho người lao động.
4. Thiêu đốt
- Đây là quá trình sử dụng nhiệt độ cao (1.000 – 1.100 độ C) để phân hủy rác. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là giúp giảm đáng kể thể tích chất thải cần chôn lấp. Tuy nhiên, chi phí đầu tư và vận hành nhà máy đốt rác khá cao nên cũng là vấn đề nan giải cho những nước kinh tế còn hạn hẹp
- Việc đốt rác thải nhựa đúng cách còn có thể tạo ra năng lượng phục vụ cho các ngành khác như: đốt rác để phát điện, biến rác thành các nguyên liệu có ích,…. Tuy nhiên, cần lưu ý kiểm soát chặt chẽ quá trình đốt để đảm bảo nó không phát sinh các vấn đề gây hại đến môi trường./.
Chính vì vậy, mỗi học sinh, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…