Tiết Đọc sách Thư viện
Khơi dậy tình yêu đối với sách
Đã từ lâu đời, sách là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Sách là kho tàng lưu trữ khối kiến thức khổng lồ của nhân loại được tích lũy qua mấy ngàn năm. Sách là chiếc chìa khóa vàng mở cửa chân trời tri thức. Nhận định về giá trị to lớn của sách, một nhà văn có nói: "Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người". Câu nói đó có ý nghĩa như một chân lí khẳng định vai trò quan trọng của sách, đồng thời là lời khuyên mọi người nên tạo cho mình thói quen đọc sách.
Để đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, việc đọc sách phải là thói quen của mỗi người. "Hạt giống" thói quen đọc sách ở mỗi người cần được "gieo trồng" ngay từ nhỏ với sự lặp đi lặp lại theo một tần suất nhất định và trong một thời gian đủ dài. Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường là cách tốt nhất để tạo thói quen đó, và đây là việc cấp thiết để có thể phát triển văn hóa đọc.
Tại trường Tiểu học Giang Biên, mô hình “Thư viện thân thiện” được học sinh thích thú và tích cực tham gia đọc sách. Phòng đọc được bố trí khoa học, gọn gàng, đẹp mắt, nhưng vẫn có đủ không gian để học sinh tham gia các hoạt động đọc như: đọc cá nhân, đọc cặp đôi, đọc nhóm. Trang thiết bị trong thư viện được sắp xếp hợp lý để học sinh dễ dàng di chuyển để chọn sách và vật phẩm giáo dục.
Sách được phân loại theo trình độ đọc thông qua hệ thống mã màu, mỗi mã màu sách được trưng bày trên các kệ có màu tương ứng. Học sinh được tự lựa chọn sách cho mình. Ngoài đọc sách ở phòng thư viện, nhà trường còn có góc thư viện xanh, thư viện ngoài trời để học sinh có thể đọc sách mọi lúc vừa thoáng mát vừa tiện lợi.
Sau quãng thời gian dài học trực tuyến, tiếp xúc với các thiết bị điện tử và mạng internet, đa số học sinh dành thời gian rảnh của mình để giải trí bằng các trò chơi game, tiktok… mà ít dành thời gian cho việc đọc sách hơn. Vì vậy, ngay khi học sinh được trở lại trường học, việc xây dựng cho học sinh thói quen đọc sách là cần thiết. Việc này được thể hiện cụ thể trên thời khóa biểu của mỗi lớp, mỗi tuần đều có một tiết đọc sách thư viện. Thời gian của mỗi tiết đọc sách tương đương với những tiết học khác. Trong tiết đọc sách thư viện có các hoạt động đọc chính như: Đọc to nghe chung, đọc cặp đôi, đọc cá nhân, cùng đọc giúp phát triển thói quen đọc sách của học sinh. Những hoạt động này không tập trung vào dạy kỹ năng đọc mà mục đích chính của tiết đọc thư viện là hình thành và phát triển thói quen đọc sách. Khi học sinh có thói quen đọc sách thì kỹ năng đọc sách phát triển, kỹ năng đọc sách phát triển thì học sinh sẽ đọc tốt, đồng thời sẽ phát triển về tư duy ngôn ngữ cũng như học tập được nhiều điều bổ ích.
Đến với tiết đọc thư viện, các em sẽ được hướng dẫn để làm quen với nội quy thư viện, cách tìm sách ở các ô, cách chọn sách theo danh mục đã được liệt kê sẵn. Trong mỗi tiết, ngoài hoạt động đọc, các em được tham gia các trò chơi nhẹ nhàng; trao đổi cho nhau nghe về suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về nhân vật, về câu chuyện mình vừa đọc. Giáo viên cũng có thể trao đổi với các em bằng một số câu hỏi giản đơn có liên quan đến nhân vật cũng như nội dung câu chuyện, nhằm hướng tới nhu cầu đọc sách tích cực cho học sinh. Thông qua tiết đọc thư viện, học sinh không chỉ tiếp cận được nhiều đầu sách hay mà còn được khơi gợi niềm đam mê đọc sách. Nhờ vậy, học sinh chủ động trong việc tìm đọc sách, phát triển vốn từ, được giáo dục đạo đức, kỹ năng sống khi hiểu được ý nghĩa câu chuyện.
Sau đây là một số hình ảnh học sinh lớp 2A5, trường Tiểu học Giang Biên rất hứng thú với tiết “Đọc sách thư viện” đầu tiên khi được trở lại trường: