Tìm hiểu về món bánh trôi, bánh chay
Theo tục lệ của ông cha ta, vào ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình sẽ dậy sớm, nấu đồ ăn để nguội. Điều này khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc. Người Việt sẽ dùng tấm lòng thầm kín bày thức ăn lễ Phật, cúng gia tiên và ông bà. Có thể nói, ngày Tết này ở Việt Nam còn là cái cớ để các thành viên trong gia đình ở bên nhau. Mọi người trong gia đình sẽ chia việc ra, cùng nấu nồi bánh trôi, bánh chay dâng lên tổ tiên.
Bánh trôi, bánh chay là hai món ăn được người Việt Nam sáng tạo để dành cho ngày Tết 3/3 (AL). Hai món ăn này đều được làm từ bột gạo và đường phèn. Thời xa xưa, ông bà thường tự tay xay bột và trộn bột. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, mọi người đều có xu hướng mua bột có sẵn về làm bánh. Phần nhân bánh khá đơn giản, người ta cắt nhỏ những viên đường và cho vào giữa cục bột để làm nhân.
Hai món bánh này có ý nghĩa nhất định trong văn hóa người Việt. Tìm hiểu ý nghĩa bánh trôi, bánh chay là cách để hiểu thêm về văn hóa, tập tục nước nhà.
Khám phá ý nghĩa bánh trôi, bánh chay
1. Hướng về cội nguồn
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực lại có ý nghĩa rất riêng với người Việt và mang màu sắc văn hóa Việt rõ ràng. Theo văn hóa của người Việt Nam, ngày Tết này mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên. Đây là dịp để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông cha ta.
Ngoài ra, dịp lễ này cũng là cơ hội để dạy trẻ em những truyền thống báo hiếu tốt đẹp. Chính vì thế, 3/3 Âm lịch chính là dịp để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Việc cúng bánh trôi, bánh chay trong ngày 3/3 (AL) cũng mang ý nghĩa tương tự như việc dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3 (AL) ở Hà Tây, hoặc ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 (AL).
Bánh trôi, bánh chay là hai loại bánh đặc trưng trong ngày Tết Hàn thực. Hai thứ này đều được làm từ bột gạo nếp thơm ngon, tượng trưng cho ngành nông nghiệp trồng cây lúa nước của người Việt. Bánh trôi được nặn viên nhỏ, bên ngoài trắng nõn, bên trong nhân đường đỏ ngọt vừa. Còn đối với bánh chay, người ta sẽ nặn tròn dẹt, không có nhân bên trong, khi ăn sẽ rưới nước đường lên.
Cúng và ăn bánh trôi, bánh chay trong ngày 3/3 âm lịch là cách để nhớ về cội nguồn và truyền thống dân tộc.
2. Ôn lại chuyện xưa
Vào ngày Tết Hàn thực, cùng người thân quây quần, trò chuyện và thưởng thức món bánh trôi, bánh chay sẽ đem đến không khí ấm cúng và đặc biệt. Vì thế ông bà ta cho rằng, việc ăn hai bánh này vào những dịp lễ Tết như thế này sẽ giúp tình cảm gia đình khắng khít hơn. Ngoài ra, mọi người còn có cơ hội để ôn lại những chuyện cũ, để tận hưởng không khí yêu thương và ấm áp của gia đình.
Ăn bánh trôi bánh chay cũng là hình thức để tưởng nhớ công lao, ơn dưỡng dục của thế hệ đi. Qua hành động này, các thế hệ sau sẽ biết ơn và trân trọng những gì mà họ đang có.
Có một số điển tích kể rằng bánh trôi, bánh chay có nguồn gốc từ thời Hùng Vương. Người dân tạo ra tục lệ làm hai thứ bánh này để tưởng nhớ về “bọc trăm trứng” của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Chính vì thế, những chiếc bánh nhỏ có hình trong và màu trắng để trong giống trăm quả trứng.
Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng đi theo Âu Cơ, sau này nở ra thành 50 người con, họ lên đất liền để sinh sống. Bánh chay thì tượng trưng cho 50 quả trứng đi theo Lạc Long Quân, nở ra thành 50 người con đi xuống biển.
Tết Hàn thực đã sống trong tâm thức người Việt như thế, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Cứ đến ngày 3/3 âm lịch, những người con lại nô nức trở về nhà, quây quần và chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay. Mùi thơm, vị ngọt có hai loại bánh này cũng như dư vị ngọt ngào, hạnh phúc của một gia đình vậy.
Hy vọng bài viết đã giúp các bạn nhỏ trường TH Giang Biên hiểu được ý nghĩa bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực.