I. MỤC TIÊU:
Khoa học là môn học về các sự vật, hiện tượng tự nhiên, về cơ thể và sức khỏe của con người.
Môn Khoa học ở cấp Tiểu học nhằm giúp học sinh đạt được:
1. Một số kiến thức ban đầu về:
- Sự trao đổi chất, nhu cầu dinh dưỡng và sự sinh sản, sự lớn lên của cơ thể người. Cách phòng tránh một số bệnh thông thường và bệnh truyền nhiễm.
- Sự trao đổi chất, sự sinh sản của thực vật, động vật.
- Đặc điểm và ứng dụng của một số chất, một số vật liệu, dạng năng lượng thường gặp trong đời sống và sản xuất.
2. Một số kĩ năng ban đầu:
- Ứng xử thích hợp trong một số tình huống có liên quan đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Quan sát và làm một số thí nghiệm, thực hành khoa học đơn giản, gần gũi với đời sống, sản xuất.
- Nêu thắc mắc, đặt câu hỏi trong quá trình học tập, biết tìm thông tin để giải đáp, diễn đạt những hiểu biết bằng lời nói, bài viết, hình vẽ, sơ đồ,…
- Phân tích, so sánh, rút ra những dấu hiệu chung và riêng của một số sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên.
3. Một số thái độ và hành vi:
- Tự giác thực hiện các quy tắc vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Ham hiểu biết khoa học, có ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống.
- Yêu con người, thiên nhiên, đất nước, yêu cái đẹp.
- Tích cực tham gia bảo vệ môi trường xung quanh.
Với trình độ phát triển tư duy của học sinh lớp cuối cấp Tiểu học, chương trình môn Khoa học lớp 5 đã đưa vào những nội dung về tính chất, đặc điểm của các quá trình, hiện tượng trong tự nhiên, trong cơ thể người.
Việc hình thành cho học sinh một thế giới quan khoa học và niềm say mê khoa học, sáng tạo là một mục tiêu quan trọng của giáo dục hiện đại khi mà nền kinh tế tri thức đang dần dần chiếm ưu thế tại các quốc gia trên thế giới. “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức tự nhiên khi học sinh đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học.
Đây là một phương pháp dạy học mới, điều mà tất cả chúng ta băn khoăn đó là mình sẽ vận dụng phương pháp này vào việc giảng dạy như thế nào? Chính vì thế mà, với chút kiến thức ít ỏi mà chúng tôi được tiếp thu trong các đợt tập huấn Tập thể Tổ khối 5 mạnh dạn giới thiệu chuyên đề vận dung phương pháp bàn tay nặn bột
Bài: Thuỷ tinh
II. QUY TRÌNH THỰC HIỆN:
A. Khởi động:
- Học sinh tham gia đường đua quizzi
B. Hình thành kiến thức:
1. Giới thiệu bài:
- Yêu cầu học sinh báo cáo sự chuẩn bị.
- Giới thiệu bài, nêu yêu cầu cần đạt.
- Nhận xét về các đồ vật mình chuẩn bị.
2. Phát triển bài:
Tùy theo nội dung bài, giáo viên có thể chia bài học thành 2- 3 hoạt động phù hợp.
Ở mỗi hoạt động, giáo viên cần xác định mục tiêu của hoạt động, và các nội dung tích hợp, lồng ghép (nếu có).
Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề:
- Là một tình huống do giáo viên chủ động đưa ra như là một cách dẫn nhập vào bài học.
- Câu hỏi nêu vấn đề là câu hỏi lớn của bài học.
- Câu hỏi phải phù hợp với trình độ học sinh, gây mâu thuẫn nhận thức và kích thích tính tò mò của học sinh.
- Giáo viên phải dùng câu hỏi mở, tuyệt đối không được dùng câu hỏi đóng.
Bước 2: Bộc lộ biểu tượng ban đầu:
- Giáo viên khuyến khích học sinh nêu những suy nghĩ, nhận thức ban đầu của mình về sự vật, hiện tượng mới.
- Giáo viên cho học sinh trình bày bằng nhiều hình thức: viết, vẽ, nói,...
- Giáo viên không nhất thiết phải chú ý tới các quan niệm đúng, cần phải chú trọng đến các quan niệm sai.
Bước 3: Đề xuất câu hỏi và phương án thí nghiệm:
3.1 Đề xuất câu hỏi.
- Từ những khác biệt và phong phú về biểu tượng ban đầu, GV giúp HS đề xuất câu hỏi.
- GV cần khéo léo chọn lựa một số biểu tượng ban đầu khác biệt trong lớp từ đó HS đặt câu hỏi liên quan đến bài học để giúp học sinh so sánh
- Đối với học online cô sử dụng phần mềm classkich để hỗ trợ các con viết phiếu thảo luận.
3.2 Đề xuất phương án thực nghiệm nghiên cứu.
- Từ những câu hỏi của HS, GV nêu câu hỏi cho HS đề nghị các em đề xuất thực nghiệm để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi đó
- GV ghi chú các đề xuất của HS để các ý kiến sau không trùng lặp.
- Khuyến khích HS tự đánh giá ý kiến nhau hơn là ý kiến của GV nhận xét.
Bước 4: Tiến hành thí nghiệm tìm tòi- nghiên cứu:
- Quan sát tranh vào mô hình và ưu tiên thực nghiệm trên vật thật.
- Từ những khác biệt và phong phú về biểu tượng ban đầu, GV giúp HS đề xuất câu hỏi.
- GV cần khéo léo chọn lựa một số biểu tượng ban đầu khác biệt trong lớp. Từ đó HS đặt câu hỏi liên quan đế bài học để giúp học sinh so sánh.
Bước 5: Kết luận, hợp thức hóa kiến thức:
Sau đó, là hình thức hoạt động khám phá tri thức. Học sinh trình bày, các em khác theo dõi nhận xét, bổ sung.
Cuối cùng, giáo viên nhận xét, bổ sung chốt ý chính, mở rộng (nếu có) và chuyển ý sang hoạt động tiếp theo.
3. Củng cố bài- nhận xét tiết dạy:
Hình thức củng cố bài bằng trò chơi học tập, hệ thống câu hỏi chặt chẽ, hoặc sơ đồ tư duy giúp học sinh nhớ bài, và giúp giáo viên nắm bắt khả năng học sinh nhận thức tới đâu để kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học thích hợp.
Giáo viên nhận xét tiết dạy, dặn dò bài sau.