Trong những ngày gần đây, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng trước tình trạng trẻ nhiễm Adenovirus tăng cao đột biến, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Vậy Adenovirus lây qua đường nào, cách nhận biết và phòng tránh bệnh ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu một số thông tin cơ bản về virus Adeno nhé !
Bệnh do Adenovirus là một bệnh vi rút cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, thường gây bệnh ở đường hô hấp trên với triệu chứng nổi trội là viêm mũi. Adenovirus gây bệnh quanh năm. Phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân Hè hoặc Thu Đông. Nhiễm Adenovirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.Người bệnh nhiễm adenovirus sau khi khỏi bệnh có miễn dịch với adenovirus với hiệu quả cao và kéo dài với cùng type mắc bệnh nhưng không có khả năng bảo vệ với các type khác. Nghĩa là nếu tiếp xúc với bệnh nhân mắc ở type khác thì vẫn có khả năng nhiễm bệnh. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus Adeno gây ra, vaccine phòng ngừa virus Adeno vẫn chưa được dùng rộng rãi.
Đường lây nhiễm của Adenovirus
Nguồn lây nhiễm Adenovirus (ADV) là người bệnh mang virus trong thời kỳ mắc bệnh. Sạu đó, bệnh truyền qua các đường như:
- Qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người.
- Qua nước ở bể bơi hoặc nguồn nước chứa dịch tiết từ mắt, mũi, phân của người bệnh.
- Lây nhiễm khi tiếp xúc với các vật dụng cá nhân với mắc virus Adeno.
- Lây qua đường tình dục khi người lành quan hệ không an toàn với người mắc bệnh.
Đặc biệt, bệnh Andenovirus lây lan nhanh chóng ở trẻ em trong môi trường học đường, khu vui chơi, bể bơi. Khi trẻ nhỏ nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt bắn chứa virus bay vào không khí và bám trên các bề mặt. Trẻ dễ bị nhiễm virus khi chạm vào tay, mũi, miệng hoặc đồ chơi hay đồ dùng của trẻ đã mắc bệnh, sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng. Do thói quen hay đưa tay vào miệng, lên mặt nên bệnh thường gia tăng nhanh ở trẻ nhỏ.
Andenovirus đối với trẻ em
Đối với trẻ em, bênh Andenovirus có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khoẻ. Đây là một trong những tác nhân chính gây bệnh hô hấp cấp tính ở trẻ em. ADV nhẹ thường gây viêm long đờm hô hấp, nặng gây nhiễm trùng hô hấp dưới (viêm tiểu PQ, viêm phổi). Viêm phổi do ADV vẫn chưa có thuốc điệu trị, khó phân biệt với các tác nhân khác và có tỉ lệ tử vong cao 12%.
Khi nhiễm Adenovirus, trẻ sẽ có triệu chứng, biểu hiện gì?
Khi nhiễm Adenovirus trẻ sẽ có các triệu chứng như: nóng, ho, sổ mũi, cảm, viêm đường hô hấp. Triệu chứng viêm phổi do Adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Cùng với các triệu chứng của viêm đường hô hấp thì viêm phổi do virus Adeno sẽ khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, ho và thở khò khè. Tùy theo thể trạng, có trẻ diễn tiến nhẹ nhàng, có thể tự khỏi, nhưng vẫn có trẻ sẽ có biểu hiện với triệu chứng rầm rộ, thở mệt. Những trẻ trở nặng là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi trùng, nhất là vi trùng kháng thuốc. Bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được. Tuy nhiên, do bệnh dễ lây và lây lan nhanh trong cộng đồng cũng như dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm cúm thông thường, sẽ gây chủ quan. Nếu phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Điều trị bệnh do virus Adeno gây ra
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus Adeno gây ra. Đối với những trường hợp nhiễm virus thể nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ cho trẻ uống thuốc hạ sốt, bù nước và điện giải, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và theo dõi biến chứng bội nhiễm, viêm phổi để có biện pháp điều trị hỗ trợ kịp thời. Việc sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus chỉ được chỉ định trong các trường hợp đặc biệt, bệnh nặng, suy giảm miễn dịch và phải do bác sĩ cân nhắc chỉ định.
Về chăm sóc trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt, nhỏ mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý để giảm đau họng. Về chăm sóc dinh dưỡng, trẻ có thể khó chịu, quấy khóc, khó ăn uống. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, có mùi vị dễ chịu, dễ nuốt, dễ tiêu như cháo thịt, cháo sườn nhừ, cháo gà, súp gà… Nếu trẻ buồn nôn hoặc nôn cần chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn ít một để hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Biện pháp phòng ngừa Andenovirus
Để phòng ngừa bệnh dịch, chúng ta cần :
- Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, đặc biệt là mắt, mũi, họng.
- Rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
- Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.
- Người lành tuyệt đối không tiếp xúc, dùng chung vật dụng cá nhân, nhất là bát, đũa, giường, chiếu, khăn mặt, bàn chải đánh răng,... Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng
- Giữ gìn môi trường xung quanh và nguồn nước sạch sẽ. Đặc biệt vào mùa mưa, người dân nên khử trùng nước giếng bằng cloramin B.
Với trẻ em:
- Rửa tay hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên; hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Chế độ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng;
- Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá;
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý;
- Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh;
- Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh;
- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Với các trường học :
- Duy trì các biện pháp khử khuẩn phòng, chống dịch như đối với phòng, chống COVID-19
- Theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh. Khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm Adenovirus cần báo ngay cho Trạm Y tế phường và thực hiện ngay khử khuẩn lớp học, đồ dùng, đồ chơi, bề mặt bằng dung dịch Cloramin B 0,05% Clo hoạt tính và triển khai các biện pháp khác theo hướng dẫn của ngành y tế.